Private Equity và Investment Banking – Nghề đòi hỏi phẩm chất toàn diện

Private Equity và Investment Banking – Nghề đòi hỏi phẩm chất toàn diện

Trong bất kỳ ngành nào, một người sẽ thấy mình phù hợp hoặc là công việc kỹ thuật chi tiết (technical), hoặc là công việc mang tính giao tiếp bán hàng (sale). Đó là vì người có khả năng tính toán, phân tích, chú ý chi tiết sẽ không quá mạnh về năng lực ngôn ngữ, giao tiếp, trình bày. Ngược lại, người hoạt bát, giỏi giao tiếp sẽ khó tập trung tỉ mẩn vào chi tiết mang tính kỹ thuật.
Trong khi đó, Private Equity (PE) và Investment Bankinh (IB) là ngành nghề khá đặc biệt, đòi hỏi phẩm chất “tròn trịa” của người hành nghề: người làm thương vụ (deal-maker) PE -IB được yêu cầu làm những công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, chi tiết, nhưng đồng thời cũng cần phải đi giao tiếp, tìm cơ hội, hay tham gia thương lượng thương vụ. Cụ thể, công việc của deal-maker có thể là nghiên cứu phân tích thị trường, lập mô hình tài chính định giá, và gặp các đối tác tìm năng để tìm kiếm cơ hội đầu tư, chào mời thương vụ (M&A). Vì vậy, một deal-maker vừa phải có khả năng phân tích, tính toán, chú ý các chi tiết (để phân tích, hay làm định giá công ty), nhưng lại phải vừa có khả năng giao tiếp tinh tế, mang tính thuyết phục cao (nhất là khi phải làm việc với cấp C-suite, như CFO, CEO hay chủ doanh nghiệp).
Vậy trở thành deal- maker PE – IB thì cần những phẩm chất cụ thể gì?
Với kinh nghiệm của người đã làm PE – IB trên 20 năm, cũng như tham khảo báo cáo về Khung Kỹ năng Nghề nghiệp và Báo cáo về kỹ năng và học tập tương lai của Viện CFA năm 2022 (CFA Institute Career Skills Framework và CFA Institute Report on the Future of Skills and Learning), tôi thấy rằng một người làm deal-maker PE – IB thường cần những phẩm chất sau đây (xem hình đính kèm):
✅Phẩm chất kỹ thuật thiên về kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ: kỹ năng nghiên cứu và phân tích, viết báo cáo, lập mô hình tài chính, cấu trúc thương vụ.
✅Phẩm chất thiên về kỹ năng mềm: giao tiếp, trình bày, phát triển kinh doanh, bán hàng, hợp tác, kết nối, xây dựng quan hệ, thương lượng, thuyết phục, tạo ảnh hưởng, đồng cảm, v.v.
✅Phẩm chất cơ sở nền tảng: Đạo đức, Thái độ và tính chuyên nghiệp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng dạng T (*).
Dù tất cả các phẩm chất này là cần thiết cho người deal-maker, tùy theo vị trí cấp độ của deal-maker trong nấc thang nghề nghiệp mà tầm quan trọng và tỷ trọng của từng loại phẩm chất sẽ khác nhau. Khỏi phải nói, đạo đức, tính chuyên nghiệp và thái độ đúng đắn luôn là nền tảng gắn liền với người deal-maker thành công, cho dù ở vị trí nào. Kỹ năng nghiệp vụ kỹ thuật sẽ rất quan trọng ở những nấc thang đầu tiên của nghề nghiệp, nhưng vai trò của kỹ năng mềm, kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng dạng T sẽ tăng dần khi deal-maker leo lên các vị trí cao hơn của nghề PE – IB. Điều này giải thích được vì sao có những người làm phân tích rất giỏi, lập mô hình tài chính rất siêu, nhưng qua nhiều năm cũng chỉ phù hợp làm công việc phân tích chứ không thể trở thành deal-maker. Ngược lại, thực tế cho thấy có một số ít người dù trẻ nhưng vừa có kỹ năng nghiệp vụ cứng, vừa giỏi kỹ năng mềm nên thăng tiến khá nhanh để trở thành deal maker PE-IB cao cấp. Tóm lại, deal-maker cần phải có phẩm chất toàn diện, vừa có năng lực tốt về kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng cũng vừa có khả năng giao tiếp bán hàng, thương lượng tinh tế.
Đọc đến đây, nhiều người sẽ thấy hình như mình không chắc có đủ hết mấy phẩm chất này, không được “tròn trịa” cho lắm, vì có thể thiếu phẩm chất này hay phẩm chất kia.
Vậy ai là người phù hợp làm trong ngành PE – IB?
Tin vui là tất cả mọi người đều có thể phù hợp làm trong ngành PE – IB, vì không phải ai sinh ra đều “tròn”. Tin buồn là muốn “tròn” thì phải lăn (chứ không phải “ăn”), và lộn khá nhiều. Giống như quả cầu tuyết, lăn là để gom tuyết, gom năng lực vào cho bản thân thêm tròn. Còn lộn là nhào nặn năng lực của mình cho phù hợp yêu cầu công việc. Những phẩm chất về tính toán, chi tiết (technical) hay khả năng giao tiếp, bán hàng (sale) đều có thể học và bồi dưỡng thêm qua các khóa học chuyên ngành, và sau đó được trui rèn qua thực tế công việc. Vậy nên, tất cả những ai muốn và quyết tâm bồi dưỡng bản thân thêm những phẩm chất cần thiết của ngành PE – IB, thì đều có thể học thêm để thành công trong ngành này. Bồi dưỡng kỹ năng gì, và học thêm cái nào phù hợp cho từng vị trí của nấc thang nghiệp sẽ là chìa khóa quan trọng mở ra cơ hội cho những ai muốn phát triển vững chắc sự nghiệp của mình trong ngành PE – IB.
Ghi chú (*): Kỹ năng dạng T là sự phối hợp kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong một lĩnh vực riêng lẻ (nhánh đứng của chữ T) với kiến thức trải rộng trong nhiều lĩnh vực khác (nhánh nằm ngang của chữ T), và khả năng kết nối hiệu quả 2 nhánh kiến thức này ứng dụng vào công việc. Kỹ năng dạng T thường chỉ được tích lũy bởi những người có rất nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở nhiều công việc, lĩnh vực khác nhau.

Share this post


messenger-link
hotline
zalo-link