Vì sao tôi theo đuổi nghề Private Equity và Investment Banking?

Vì sao tôi theo đuổi nghề Private Equity và Investment Banking?

Công việc Private Equity (PE) và Investment Banking (IB) là một trong những công việc thú vị, hấp dẫn nhất, thể hiện qua các yếu tố sau:
👍Công việc nhắm đến tương lai
Làm thương vụ PE – IB luôn liên quan đến lập dự báo trong tương lai, và rồi dựa theo đó thực hiện đầu tư. Lập dự báo là xây dựng một viễn cảnh mà người làm thương vụ (deal-maker) phải tin rằng dự báo sẽ thành hiện thực. Khi dự báo, deal-maker không chỉ dựa vào quá khứ mà còn phải có năng lực nhìn xa, nhìn rộng, và nhìn ở nhiều góc độ khác nhau. Vì vậy, công việc dự báo rất thử thách, nhưng cũng rất thú vị.
👍Cơ hội hiểu biết nhiều ngành nghề
Các thương vụ M&A và đầu tư PE không bao giờ giống nhau. Làm deal PE – IB rất thú vị khi mình được tiếp xúc và tìm hiểu nhiều ngành nghề, nhiều công ty, nhiều người khác nhau. Nhờ làm deal, mình đã tìm hiểu về rất nhiều ngành: sản xuất đồ gỗ, bao gì giấy, bao gì màng nhựa, khách sạn, casino, bán lẻ, may mặc, thép, chế biến thủy sản, bánh ngọt, năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời), y tế, v.v. Danh sách ngành nghề chưa bao giờ dừng lại và mình vẫn tiếp tục học hỏi thêm. Nhân tiện, mình biết nhiều deal-maker sau khi làm deal xong thì đã phải lòng một ngành và quyết định khởi nghiệp trong ngành đó.
👍Công việc sáng tạo như nghệ thuật
Do mỗi thương vụ PE – IB sẽ khác nhau nhiều mặt, deal-maker phải sáng tạo các cấu trúc giao dịch, công cụ đầu tư và điều khoản đầu tư khác nhau để có thể “đóng deal” thành công. Ngoài ra, đối tác ở mỗi thương vụ là khác nhau, nên deal-maker sẽ phải giao thiệp, làm việc với đủ dạng người khác nhau. Việc này đòi hỏi deal-maker phải có cách tiếp cận vấn đề mới và vận dụng các yếu tố khác nhau ở từng đối tượng. Do đó, công việc PE – IB là sự kết hợp của khoa học và nghệ thuật, thể hiện qua trí tưởng tượng và sáng tạo không giới hạn.
👍Công việc là những chuyến đi đây đó
Công việc PE-IB luôn yêu cầu làm deal tại bất kỳ tỉnh thành, quốc gia nào. Do vậy, để làm thương vụ mình phải đi công tác nhiều nơi, đến nhiều địa phương mới. Nhờ làm quỹ đầu tư PE mà mình đi cũng kha khá, từ các nước nghèo nghèo như Kenya hay Sri Langka đến những nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản. Khi đi huy động vốn cho quỹ hay dự hội nghị M&A, mình được tham dự các sự kiện lớn, hoành tráng của giới đầu tư hay dân nhà giàu từ Mỹ cho đến Trung Đông. Các trải nghiệm này phải nói là vô giá.
👍Công việc là cơ hội gặp gỡ và học hỏi nhiều người thú vị
Làm deal PE – IB cho phép mình làm việc với nhiều chủ doanh nghiệp, giám đốc công ty hay các nhân sự cao cấp nhóm C-suite. Họ xuất thân rất khác nhau, ngành nghề, tính cách và văn hóa cũng khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ họ đều là những người thú vị và đặc biệt, có hành trình nỗ lực và thành công cực kỳ đáng nể. Nhờ vậy, mình học được từ họ quá nhiều thứ hay ho, từ bài học thành công đến thất bại, cũng như hàng tá kinh nghiệm khác. Những bài học này không trường lớp nào dạy bạn được.
👍Công việc giúp hoàn thiện bản thân
Deal-maker thường làm một deal từ đầu đến cuối. Việc này đòi hỏi deal-maker phải có phẩm chất toàn diện: vừa có kỹ năng nghiệp vụ tốt, vừa có kỹ năng mềm giỏi, và cả phẩm chất đạo đức, tính chuyên nghiệp cao. Để hoàn thành thương vụ, deal-maker còn phải có khả năng tạo dựng mối quan hệ, xây dựng lòng tin, thấu hiểu và thông cảm, v.v. Những phẩm chất này đều rất quan trọng để thành công trong bất kỳ công việc nào. Mình biết có hai người từng là deal-makers, sau này làm nghề khác rất thành công: Jeff Bezos (chủ Amazon) và Emmanuel Macron (Tổng thống Pháp). Mình tin rằng họ đã tích lũy được nhiều phẩm chất tốt trong giai đoạn làm deal IB.
👍Công việc thu nhập và đãi ngộ tốt
Khỏi phải nói thì thu nhập của nhân sự làm PE – IB đều thuộc loại top trong ngành tài chính nói chung. Chỉ cần google lương nghề PE, bạn đã có thể thấy thông tin tuyển dụng vị trí cấp trung PE – IB với mức lương 9 chữ số tiền đồng (tháng 6-2023). Tất nhiên các vị trí PE – IB cao cấp thì mức thu nhập cao hơn nhiều. Còn trong ngành IB, khi đóng deal thành công, deal maker còn được chia thưởng. Đối với PE, các vị trí cấp cao còn được chia thêm carry, là tiền thưởng tính trên hiệu quả của quỹ.
❓Tất nhiên, nghề nào cũng có mặt trái. Vậy mặt trái của nghề PE – IB gồm những gì?
😦Công việc đầy thách thức, áp lực cao
Dù có nhiều điểm thú vị, công việc PE – IB có áp lực cao, nhất là trong giai đoạn đóng deal. Thành viên của nhóm làm deal sẽ phải làm việc ngoài giờ rất nhiều trong giai đoạn cuối của thương vụ. Mình đã từng phải tham gia thương lượng căng thẳng cả ngày đêm cho đến khi kết thúc deal. Đôi khi một công ty trong danh mục đầu tư gặp khủng hoảng và gây áp lực lớn lên nhân sự của quỹ. Còn nữa, deal-maker cũng có thể được cắt cử tạm thời sang vị trí điều hành công ty trong danh mục, điều này cũng dẫn đến áp lực rất lớn mà không phải ai cũng chịu được.
😦Tâm trạng phụ thuộc vào kết quả thương vụ
Việc triển khai và đóng deal là điều không bao giờ dễ dàng. Tỷ lệ đóng deal trong pipeline luôn thấp hơn 10%. Mình đã trải qua rất nhiều lần thất vọng khi deal thất bại. Tệ hơn, một số thương vụ bị gãy đổ vào phút 89, khi mọi thứ gần như đã chốt và mình đã làm hết sức. Tuy biết rằng thất bại sẽ giúp ta trưởng thành hơn nhưng không thể tránh được nỗi thất vọng ê chề. Tất nhiên, khi đóng deal thành công, niềm vui và hạnh phúc ngập tràn là một trong những phần thưởng vô giá của deal-maker. Bởi vậy, tâm trạng của deal-maker đôi khi lên xuống rất thất thường.
😦Áp lực đòi hỏi hoàn thiện bản thân liên tục
Việc làm deal đòi hỏi deal-maker phải hoàn thiện bản thân liên tục để nâng tầm năng lực, đáp ứng đòi hỏi của công việc. Deal-maker nào không bồi dưỡng năng lực đều có thể bị đào thảo do không thể đóng deal hoặc hỗ trợ đóng deal. Là deal-maker, mình luôn thấy áp lực từ chính bản thân phải tìm cách chốt được deal, nhất là khi đồng nghiệp đã đóng deal thành công.
😦Đi công tác quá nhiều có thể là trở ngại
Công việc PE – IB đôi khi đòi hỏi phải đi công tác nhiều, dẫn đến việc khó chu toàn bổn phận gia đình, hoặc làm gián đoạn việc học, khó theo đuổi một sở thích (hoặc ai đó). Tuy nhiên, việc đi công tác nhiều chỉ mang tính nhất thời, nên đều có thể thu xếp được. Thực tế là trong thời gian làm việc cho quỹ PE, mình đã thu xếp học và thi đậu 3 level CFA, cùng lúc đó cũng thi đậu huyền đai Aikido. Chỉ cần biết sắp xếp thời gian và đặt chế độ ưu tiên là có thể lần lượt đạt được các mục tiêu mình đặt ra.
✅Tóm lại, “no pain, no gain”: Muốn đạt được gì đó, bạn phải chấp nhận thử thách, nỗ lực vượt qua khó khăn. ✅
(Bài viết ghi theo lời kể của anh Võ Sáng Xuân Vinh, CFA)

Chia sẻ bài viết


messenger-link
hotline
zalo-link