9 Lưu ý quan trọng khi phân tích công ty và lập báo cáo công ty

9 Lưu ý quan trọng khi phân tích công ty và lập báo cáo công ty

Thành viên Hội đồng Đầu tư của quỹ đầu tư cổ phần chưa đại chúng (Private Equity – PE) hoặc thành viên Hội đồng Quản trị của một tập đoàn phụ thuộc nhiều vào chất lượng và chiều sâu của các báo cáo công ty để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt. Do vậy, báo cáo công ty cần phải rất cô đọng, tập trung, sâu sắc và sát thực tiễn để dễ triển khai. Dưới đây là những yếu tố then chốt cần lưu ý khi tiến hành phân tích công ty và lập báo cáo công ty:
1. Bức trang toàn cảnh ngành
Bài phân tích cần được thực hiện trên nền tảng bức tranh toàn diện về ngành mà công ty đang hoạt động. Chuyên viên phân tích sẽ xác định các xu thế chính của ngành, đối thủ cạnh tranh và động lực thị trường, đồng thời phân tích cách các yếu tố này tác động đến hiệu quả hoạt động và triển vọng tương lai của công ty. Địa chính trị, công nghệ mới, luật hay quy định mới và các yếu tố ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) là những yếu tố quan trọng nhất cần đưa vào phần phân tích này.
2. Cơ hội tăng trưởng và chiến lược
Chuyên viên phân tích sau đó sẽ xác định và đánh giá cơ hội tăng trưởng của công ty, chẳng hạn như thâm nhập thị trường mới, cải tiến sản phẩm, kết hợp với đối tác chiến lược hoặc thâu tóm công ty khác. Với từng cơ hội này, chuyên viên phân tích sẽ đánh giá khả năng mở rộng mô hình kinh doanh và tiềm năng duy trì tăng trưởng dài hạn. Điều quan trọng nhất mà chuyên viên phân tích cần chỉ ra được là chiến lược mà công ty áp dụng phù hợp thế nào với các cơ hội tăng trưởng của ngành.
3. Vị thế cạnh tranh
Căn cứ theo bức tranh toàn cảnh ngành và cơ hội tăng trưởng nêu trên, chuyên viên phân tích sẽ phân tích vị thế cạnh tranh của công ty trong ngành. Chuyên viên phân tích sẽ xác định và đánh giá năng lực của công ty trong việc tạo giá trị đặc biệt riêng có cho khách hàng, lợi thế cạnh tranh của công ty so với các đối thủ, nhờ đâu công ty có những lợi thế này (nguồn gốc của lợi thế, hay còn gọi là động lực cốt lõi – key drivers) cũng như những bất lợi tiềm tàng của công ty trong việc duy trì hoặc cải thiện thị phần.
4. Khả năng vận hành
Chuyên viên phân tích phải có hiểu biết sâu sắc toàn diện về năng lực vận hành của công ty. Muốn vậy, chuyên viên phân tích cần xem xét tất cả các khía cạnh vận hành của công ty, chẳng hạn như quy trình sản xuất hoặc vận hành; hệ thống quản lý, quy trình bán hàng và tiếp thị, quan hệ khách hàng, chuỗi cung ứng, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, hệ thống kiểm soát nội bộ, ESG, v.v., rồi sau đó tìm ra các động lực cốt lõi của các lợi thế và bất lợi. Bước này nhằm xác nhận các động lực chính của vị thế cạnh tranh được xác định ở các công đoạn trước, tức là tìm ra lý do và cách thức nào giúp công ty vượt trội hoặc sẽ vượt qua đối thủ cạnh tranh. Bước quan trọng này cũng xác định cách các nhà đầu tư PE gia tăng giá trị cho công ty mục tiêu hoặc cách thức mà bên mua tạo ra giá trị cộng hưởng từ công ty mục tiêu trong thương vụ M&A.
5. Đội ngũ quản lý
Một nhiệm vụ quan trọng của chuyên viên phân tích là đánh giá chất lượng và kinh nghiệm của đội ngũ quản lý công ty về khả năng thực thi (tức là khả năng triển khai chiến lược của công ty). Nhiệm vụ này đạt được bằng cách xem xét kỹ lưỡng thành tích, tầm nhìn chiến lược, tính chính trực và mức độ tương đồng lợi ích của đội ngũ quản lý với cổ đông. Nhiệm vụ này cũng nhằm xác định nhân sự chủ chốt của công ty và đánh giá rủi ro nhân sự chủ chốt cùng với các rủi ro văn hóa, nếu có.
6. Hiệu quả tài chính
Phân tích toàn diện các báo cáo tài chính không chỉ nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của công ty mà còn giải thích những lý do đằng sau tăng trưởng doanh thu, tỷ suất lợi nhuận, biến động của tỷ suất hoạt động, tỷ suất thanh khoản và tỷ lệ đòn bẩy, căn cứ trên động lực ngành và năng lực công ty. Ngoài ra, bước phân tích này cũng là cơ sở để dự báo tài chính, nền tảng quan trọng của công tác định giá.
7. Đánh giá rủi ro
Mục này liệt kê và đánh giá các rủi ro then chốt có thể ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả tài chính của công ty. Các rủi ro này bao gồm rủi ro vĩ mô (ví dụ như lạm phát, tỷ giá hối đoái, biến đổi khí hậu, tác động xã hội, v.v.), rủi ro ngành, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý, rủi ro cạnh tranh, rủi ro nhân sự chủ chốt, v.v. Chuyên viên phân tích cũng sẽ đánh giá kế hoạch của công ty để giảm thiểu rủi ro và hiệu quả của các kế hoạch này.
8. Định giá
Trong bước này, các kết quả phân tích trước đó (bao gồm cả các yếu tố định lượng và định tính) được tích hợp vào mô hình tài chính để đảm bảo kết quả định giá doanh nghiệp phản ánh đủ các thông tin then chốt và rủi ro của công ty. Do mỗi chuyên viên phân tích sẽ có đánh giá riêng và sau đó tích hợp chúng vào các biến số của mô hình định giá theo nhiều cách khác nhau, công tác định giá này được xem là kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học.
9. Luận điểm đầu tư
Chuyên viên phân tích sẽ phải nêu bật các lý do để đầu tư, nhấn mạnh các động lực cốt lõi đằng sau cơ hội đầu tư và các cơ sở dẫn đến quyết định đầu tư này. Nêu rõ luận điểm đầu tư nhằm mục đích cung cấp một bản tóm tắt cực ngắn về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và mối đe dọa của công ty, qua đó tạo cơ sở cho các khuyến nghị triển khai thực tế phục vụ người ra quyết định.
Bằng cách tuân thủ các điểm lưu ý ở trên và thực hành phân tích toàn diện, kỹ lưỡng, chuyên viên phân tích có thể đảm bảo báo cáo phân tích công ty có thể cung cấp thông tin thấu đáo nhiều giá trị và nhờ đó hỗ trợ các quyết định đầu tư sáng suốt.
Chi tiết hơn về công tác phân tích các công ty và lập báo cáo công ty một cách hiệu quả sẽ được thảo luận nhiều hơn trong các khóa học về nghiệp vụ Private Equity – Investment banking dành cho dealmakers do Vietnam Investment Nurturing Hub tổ chức định kỳ.

Chia sẻ bài viết


messenger-link
hotline
zalo-link