Các chiến lược đầu tư vốn cổ phần chưa đại chúng (PRIVATE EQUITY) chủ yếu

Các chiến lược đầu tư vốn cổ phần chưa đại chúng (PRIVATE EQUITY) chủ yếu

Các quỹ đầu tư cổ phần chưa đại chúng (PE) sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để mua lại, đầu tư hoặc cung cấp tài chính cho các công ty chưa đại chúng với mục tiêu tạo ra lợi nhuận đáng kể cho quỹ. Dưới đây là một số chiến lược chính:
  •  Thâu tóm bằng đòn bẩy (Leveraged Buy-Out – LBO): Chiến lược này liên quan đến việc mua lại quyền kiểm soát trong một công ty bằng cách sử dụng vốn vay, trong đó tài sản của công ty được mua lại sẽ được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay. LBO thường được sử dụng để mua lại các công ty đã trưởng thành, với dòng tiền ổn định. Mục tiêu là cải thiện hoạt động và lợi nhuận của công ty, trả nợ dần và sau đó bán lại công ty với giá cao hơn. Tuy nhiên, các quy định ngân hàng ở Việt Nam tại thời điểm này không cho phép các nhà đầu tư sử dụng nợ để mua lại các công ty chưa đại chúng, khiến chiến lược LBO này không dùng được ở Việt Nam.
  •  Vốn tăng trưởng (Growth Capital): Vốn tăng trưởng được rót vào các công ty đã trưởng thành, cần nguồn vốn để mở rộng hoặc tái cấu trúc hoạt động, thâm nhập thị trường mới, hoặc tài trợ cho một vụ thâu tóm chiến lược. Quỹ PE thường sử dụng vốn tăng trưởng để đầu tư vào các công ty có mô hình kinh doanh đã được chứng minh nhưng cần vốn để mở rộng. Quỹ PE có thể nắm giữ cổ phần thiểu số hoặc đa số và làm việc chặt chẽ với ban giám đốc để thúc đẩy tăng trưởng.
  •  Đầu tư phục hồi hoặc tái cấu trúc (Distressed or Turnaround): Các quỹ PE sử dụng chiến lược này để mua lại các công ty đang gặp khó khăn do vấn đề hoạt động, quản lý kém hoặc khó khăn tài chính. Các quỹ PE thường mua lại các công ty này với giá chiết khấu và tiến hành tái cấu trúc hoạt động của công ty, cải thiện tình hình tài chính và bán lại để thu lợi nhuận sau khi công ty phục hồi ổn định.
  •  Tình huống đặc biệt (Special situations): Chiến lược này liên quan đến việc đầu tư vào các công ty đang trải qua các sự kiện cụ thể như sáp nhập, mua lại, tách doanh nghiệp hoặc phá sản. Quỹ PE sẽ nắm cơ hội thu lợi nhuận từ các tình huống này bằng cách mua lại tài sản, cung cấp tài chính hoặc tái cấu trúc công ty rồi sau đó bán lại với giá trị cao hơn rất nhiều.
  •  Chiến lược tập trung ngành và lĩnh vực (Industry and Sector Focused): Chiến lược này dựa trên sự chuyên môn hóa của quỹ PE trong một ngành hoặc lĩnh vực cụ thể. Với kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực đó, quỹ PE có thể xác định các cơ hội đầu tư, xây dựng mạng lưới hợp tác trong ngành và tạo ra giá trị đáng kể cho các công ty trong danh mục đầu tư.
  •  Quỹ vào quỹ (Funds of Funds): Chiến lược này liên quan đến việc đầu tư vào một danh mục các quỹ PE khác nhau thay vì đầu tư trực tiếp vào các công ty. Các quỹ PE hoặc nhà đầu tư tổ chức sử dụng chiến lược này để đa dạng hóa đầu tư của họ vào nhiều quỹ, giảm thiểu rủi ro và tiếp cận được nhiều chiến lược PE khác nhau.
Lưu ý là có một số quỹ PE sẽ kết hợp nhiều chiến lược khác nhau để đa dạng hóa các khoản đầu tư và quản lý rủi ro.

Chia sẻ bài viết


messenger-link
hotline
zalo-link