Kỳ 4 – 7 thách thức khi làm thương vụ mà Analyst PE mới vào ngành phải đối mặt

Kỳ 4 – 7 thách thức khi làm thương vụ mà Analyst PE mới vào ngành phải đối mặt

Khi được hỏi về các thử thách lớn nhất mà Analyst mới vào ngành phải đối mặt khi tham gia làm thương vụ đầu tư vốn cổ phần chưa đại chúng (PE), Ngọc Anh, Analyst tại một quỹ PE đã chia sẻ:
1. Tìm kiếm Cơ hội Đầu tư: Xác định và tìm kiếm các cơ hội đầu tư có tiềm năng là một thách thức đầu tiên, vì việc này đòi hỏi Analyst phải có mạng lưới quan hệ rộng và kỹ năng nhạy bén để xác định các cơ hội tiềm năng. Mà Analyst mới vào nghề thường chưa có quan hệ rộng được.
2. Tra soát Toàn diện (due diligence): Tiến hành tra soát toàn diện công ty mục tiêu tiềm năng đòi hỏi là một nhiệm vụ rất sâu và rộng, bao gồm cả pháp lý, phân tích tài chính chi tiết và nghiên cứu thị trường sâu rộng. Analyst vừa phải có tầm nhìn rộng và xa, nhưng lại phải có khả năng chú ý từng chi tiết nhỏ.
3. Mô hình tài chính: Xây dựng các mô hình tài chính động với cấu trúc linh hoạt dùng để định giá và phân tích rủi ro là một kỹ năng quan trọng mà Analyst mới vào nghề thường chưa có. Đôi khi nhiệm vụ này trở thành cơn ác mộng với Analyst do sức ép từ việc thay đổi cấu trúc xoành xoạch trong quá trình thương lượng và thời hạn cực ngắn cần phải ra quyết định.
4. Phức tạp về Định giá: Các khoản đầu tư PE đôi được định giá trong nhiều bối cảnh đặc biệt, một trong số đó là đánh giá giá trị thực sự của tài sản, biến động đột ngột của thị trường và tác động từ biến động tỷ giá tiền tệ. Analyst mới vào nghề thường chưa có góc nhìn sắc bén về các bối cảnh này nên giá trị xác định có thể chưa bao quát hết, và do vậy chưa phản ánh hết rủi ro của thương vụ.
5. Cấu trúc Giao dịch: Đôi khi Analyst được yêu cầu tích hợp các công cụ hoặc điều khoản đặc biệt của giao dịch vào mô hình dự báo nhằm tối đa hóa lợi nhuận cũng như giảm thiểu rủi ro của thương vụ. Tuy nhiên việc thiết kế cấu trúc giao dịch đòi hỏi Analyst phải rất vững cả về mặt tài chính và khía cạnh pháp lý liên quan đến ngành nghề của công ty mục tiêu. Đòi hỏi này thật sự là thách thức lớn của bất kỳ Analyst nào.
6. Văn kiện Pháp lý: việc tham gia trợ giúp đội ngũ làm thương vụ soạn các văn kiện pháp lý như thư quan tâm (letters of interest), thỏa thuận nguyên tắc (term sheets) đòi hỏi kiến thức pháp lý và sự tỉ mỉ, chính xác. Analyst thường ít người có nền tảng về pháp luật và thường chưa quen với văn kiện pháp lý nên sẽ rất khó khăn khi triển khai nhiệm vụ này.
7. Quản lý Rủi ro: Trong một thương vụ luôn luôn có nhiều loại rủi ro khác nhau, mà rủi ro nào cũng cần phải dự báo và đánh giá đầy đủ để bảo vệ khoản đầu tư. Analyst mới vào nghề thường không có đủ kinh nghiệm nên có thể đánh giá chưa đủ và chính xác, dẫn đến thiếu sót và thường phải bổ sung. Việc xác định các phương cách phù hợp để bảo vệ khoản đầu tư (mà chủ yếu là công cụ đầu tư và cấu trúc thương vụ) cũng là điểm yếu mà Analyst mới vào nghề chưa đáp ứng được, từ đó trở thành thách thức đáng kể cho các bạn trẻ như Ngọc Anh.
Những thách thức nói trên phản ánh sự phức tạp và yêu cầu cao của ngành PE (private equity) đối với những ngưới mới vào nghề. Dù vậy, chính những thách thức này lại tạo cơ hội thúc đẩy họ trau dồi để trở thành những chuyên gia thương vụ đa nhiệm xuất sắc sau này và có hành trình sự nghiệp thành công.

Chia sẻ bài viết


messenger-link
hotline
zalo-link