Cơ duyên nào dẫn dắt mình vào nghề PE-IB

Cơ duyên nào dẫn dắt mình vào nghề PE-IB

Người ta thường nói nghề chọn mình, chứ mình không chọn nghề. Trải qua hơn 20 năm làm nghề, càng nghĩ càng thấy đúng. Việc chọn làm ngành Private Equity (PE) và Investment Bank (IB) của mình ngẫm lại thì thấy toàn do các sự kiện ngẫu nhiên sắp xếp.
Mù tịt về PE thời sinh viên thực tập
Hồi còn là sinh viên sắp ra trường, giữa thập kỷ 1990, nhờ biết tiếng Pháp, mình được đi theo các chuyên gia từ công ty SIDI của Pháp đến đánh giá các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ, mục tiêu là để cho vay vốn giúp họ phát triển sản xuất kinh doanh. Việc được tiếp cận doanh nghiệp SME, gặp gỡ các chủ doanh nghiệp SME, làm quen quy trình tài trợ đã nhen nhóm trong mình mối quan tâm đến việc làm thế nào tài trợ kinh doanh cho các SME hiệu quả nhất, vừa giúp họ phát triển vừa giúp nhà đầu tư kinh doanh vốn bền vững. Thời đó cái gì cũng mới và thiếu ở Việt Nam nên các bên đều chưa biết cách tài trợ hiệu quả, chưa có cách nào bảo vệ vốn cho nhà đầu tư. Lúc đó, mình thấy cho vay không thế chấp thì không ổn, nhưng lúc đó cũng chưa biết gì về đầu tư private equity hay cấu trúc thương vụ đầu tư gì hết.
Làm due diligence deal M&A ngay ngày đầu đi làm
Khi mới đi làm, năm 1997, mình được nhận vào làm kiểm toán cho PriceWaterhouse (chưa là PWC). Sau một tuần học nghiệp vụ kiểm toán, mình được cử đi làm tra soát tài chính (financial due diligence) cho một thương vụ thâu tóm (acquisition): hãng bia Foster (Úc) mua lại BGI (Pháp) tại Việt Nam. Do giá trị tài sản trong thương vụ này rất lớn, không thua kém gì thương hiệu, nên việc thẩm tra soát xét tài chính, tài sản rất kỹ lưỡng. Đó là lần đầu tiên trong đời mình làm due diligence tại thực địa. Trải nghiệm này phải nói là quý như vàng, vì mình được hướng dẫn làm tra soát rất kỹ đủ loại tài sản, từ máy móc thiết bị, tồn kho phụ tùng, đến cả nguyên liệu gốc pha chế nước giải khát (rất đắt tiền). Kinh nghiệm làm tra soát này cùng các nghiệp vụ kiểm toán đã trở thành nền tảng nghiệp vụ quý báu cho việc mình khi làm due diligence các thương vụ đầu tư PE hay M&A sau này. Tuy vậy, tại thời điểm 1997, mình cũng chưa biết gì về private equity hay M&A.
Lần đầu làm nghiên cứu đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết
Khi làm ở Quỹ đầu tư Phát triển Đô thị TP. HCM (HIFU), giai đoạn 1998-1999, có một vài lần phòng thẩm định của mình được giao nhiệm vụ thẩm định, định giá cổ phiếu để quỹ tham gia mua. Đây là những lần nghiên cứu đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết đầu tiên của mình. Dù chưa phải là toàn bộ quy trình đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết chính thống như PE, đây là giai đoạn dẫn nhập rất thú vị cho mình và các đồng nghiệp lúc đó (những người mà sau này đều trở thành Giám đốc công ty quản lý quỹ hoặc Giám đốc đầu tư của quỹ). Mình tích lũy kinh nghiệm phân tích và biết cách dùng các công cụ mô phỏng đánh giá rủi ro nhiều trong giai đoạn này.
Bước nhẹ chân vào ngành PE
Đầu những năm 2000, khi đã tốt nghiệp MBA ở Anh nhờ học bổng Chevening (*) và đã kinh qua vài năm làm thẩm định dự án cho quỹ đầu tư HIFU, mình gia nhập Mekong Capital với tư cách là một trong 2 chuyên viên đầu tư làm thương vụ (deal-makers) đầu tiên của quỹ. Còn Mekong Capital lúc đó cũng là quỹ đầu tư PE đầu tiên của Việt Nam. Thời điểm đó, mình chưa biết gì về private equity, chưa biết làm deal thế nào, cấu trúc deal ra sao. Mình chỉ biết lập mô hình tài chính, còn viết báo cáo chuẩn thì chỉ lờ mờ. Công ty mới, ngành mới, không có ai chỉ dạy, mình chỉ tự học, tự tìm tòi (đã vậy mình còn hướng dẫn lại người khác). Đó là thời kỳ mình mới gia nhập ngành PE còn non trẻ của Việt Nam, mình và đồng nghiệp mất rất nhiều công sức để làm cho các doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết PE là gì và họ được gì khi nhận đầu tư PE.
Lần đầu cấu trúc và thu xếp deal bán công ty đầu tiên
Mình rời Mekong Capital để về làm doanh nghiệp cho gia đình vì ba mình sẽ nghỉ hưu. Vì cả nhà mình sẽ không có ai tiếp quản doanh nghiệp, nên 2 cha con đã quyết định cấu trúc 2 doanh nghiệp sáp nhập thành một công ty cổ phần. Mục tiêu là bơm thêm vốn, huy động thêm 1 đợt từ nhiều cổ đông mới, và cuối cùng là bán cổ phần của ba mình. Mình đã làm đúng các bước này, đóng deal, giúp ba mình thu tiền dưỡng già và về hưu. Còn công ty có người khác tiếp quản, mình thì quay lại với nghề PE. Số phận đã sắp xếp mình cấu trúc và thu xếp deal Investment Bank đầu tiên là cho người nhà.
Quay trở lại PE, được học nghề nhiều hơn
Sau khi bán cổ phần của ba mình cho người chủ mới, mình gia nhập quỹ Aureos Capital, một quỹ đầu tư PE kỳ cựu có trụ sở tại Anh và đầu tư PE khắp ASEAN. Thời kỳ này mình được đi huấn luyện nghiệp vụ rất nhiều, từ Sri Lanka đến Kenya, nhiều nhất là đi London vì quỹ có trụ sở tại London. Các đợt tập huấn này trang bị cho mình nhiều kiến thức và kỹ năng về PE, và đặc biệt mình được học nhiều từ đồng nghiệp ở châu Phi, châu Mỹ La Tinh, châu Á, Đông Nam Á. Thời gian làm việc tại Aureos Capital đã cho mình cơ hội trực tiếp làm đóng và thoái vốn các khoản đầu tư PE, ngoài ra còn học hỏi nhiều về PE, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước khác. Đây là giai đoạn mình được học hỏi nhiều nhất về làm deal PE, từ lý thuyết đến thực tế.
Tham gia vào quy trình fund raising và làm deal bán công ty
Rời Aureos Capital, số phận đặt mình vào vị trí Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ Sài Gòn (Saigon Capital) mà không qua quá trình xin việc. Số phận còn cho mình làm tiếp một bước nữa của quy trình đầu tư PE: lập quỹ, đi gọi vốn. Nhờ vậy, mình được trải nghiệm thêm nhiều bước của quá trình lập hồ sơ cho quỹ ngay từ đầu, và sau đó đi roadshow huy động vốn ở các nước. Giai đoạn 2008 – 2012, khủng hoảng thế giới xảy ra làm cho việc huy động vốn từ nước ngoài hoàn toàn bất khả thi. Năm 2012, cổ đông đã quyết định bán công ty quản lý quỹ. Và một lần nữa, với tư cách là Tổng giám đốc, mình tham gia chủ trì triển khai toàn bộ quá trình tìm kiếm người mua, cung cấp thông tin cho quá trình tra soát, hoàn tất thủ tục hồ sơ pháp lý và đóng deal thành công bán công ty với giá tốt.
Tiếp đến là làm tư vấn ngân hàng đầu tư (IB) đa dạng
Sau Saigon Capital là giai đoạn hơn 10 năm mình tham gia tư vấn ngân hàng đầu tư đủ dạng thương vụ, từ đầu tư thâu tóm công ty sắp phá sản (bất động sản, năm 2012, y chang như 2023) đến thu xếp vay hợp vốn tài trợ dự án nhều trăm triệu đôla Mỹ, tái cấu trúc nợ vay, thâu tóm công ty mục tiêu đang niêm yết cho bên mua nước ngoài, phát hành trái phiếu, v.v. Nhờ sự đa dạng này mà kinh nghiệm mình tích lũy được phải nói là khá phong phú, vô cùng thú vị. Đặc biệt nhất, dù chỉ là một hãng IB boutique, mình vẫn được những tập đoàn tài chính qui mô rất lớn tìm đến đặt hàng triển khai những thương vụ có tính bảo mật và phức tạp cao. Đó là những trải nghiệm tích cực mà nghề IB cho mình cơ hội gặt hái được.
Và đến lúc mình mở bí kíp truyền lại kinh nghiệm và kiến thức
Hiện giờ mình vẫn tiếp tục tư vấn thu xếp deal IB và tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp. Nhưng sau 20 năm, mình thấy đã đến lúc cần truyền lại kinh nghiệm và kiến thức của mình cho người khác. Điều này vừa giúp bồi dưỡng một thế hệ deal-maker có năng lực thực chiến cho ngành PE – IB còn non trẻ của Việt Nam, vừa đồng thời giúp mình tạo nguồn nhân lực tiềm năng có thể cùng làm deal với mình.
Trải qua hơn 20 năm thực chiến, mình thiết kế nội dung các khóa huấn luyện từ sơ cấp đến cao cấp dựa vào khung năng lực và công việc thực tế của các vị trí từ thấp nhất (Analyst), rồi cấp trung (Associate) và cuối cùng là cao nhất (Vice President). Do vậy nội dung huấn luyện chỉ tập trung cho việc triển khai công việc thực tế ở mỗi cấp, không dài dòng lý thuyết (dù cũng phải có lý thuyết nền) và nhất là không ôm đồm hàn lâm. Từ cấp Associate, học viên sẽ học thông qua việc thực hiện thương vụ mô phỏng thực tế, và sẽ được hướng dẫn trên kết quả thực hành cụ thể.
Vậy nên nếu bạn bạn nào muốn theo đuổi ngành PE – IB thì hãy đầu tư ngay vào năng lực bản thân bằng cách đăng ký tham gia mấy khóa huấn luyện thực chiến của Vietnam Investment Nurturing Hub nhé.
(*) Hôm nào rảnh mình viết bài chia sẻ hành trình mình đã thất bại vô số lần khi tìm học bổng cho đến khi được trao học bổng Chevening du học tại Vương Quốc Anh năm 1999.
*Ghi theo lời kể của anh Võ Sáng Xuân Vinh, CFA, người sáng lập và chuyên gia huấn luyện Vietnam Investment Nurturing Hub*

Chia sẻ bài viết


messenger-link
hotline
zalo-link