20
Th3
Bạn có bao giờ cảm thấy “choáng ngợp” trước những con số và bảng biểu tài chính rối rắm? Bạn có đang loay hoay tìm cách “biến hóa” những dữ liệu khô khan thành những dự báo tài chính đầy sức thuyết phục? Nếu câu trả lời là “có”, thì bạn không hề đơn độc!
Vietnam Investment Nurturing Hub xin chia sẻ bài viết của anh Vinh Vo-Sang về hành trình tự học và thực hành, dẫn dắt anh đi từ vị trí một “tân binh” chật vật với những bảng tính Excel phức tạp đến lúc làm chủ, kiểm soát hiệu quả các mô hình tài chính.
Hành trình đi từ học nghề đến làm chủ Mô hình tài chính
Những bước đi đầu tiên: Bỡ ngỡ nhưng đầy tò mò
Hành trình bắt đầu từ những năm 1995-1997 khi tôi học môn Quản lý Tài chính trong chương trình MBA tại CFVG. Lần đầu tiên tôi dùng Excel để lập mô hình tài chính dự phóng báo cáo tài chính. Lúc ấy, việc dự phóng báo cáo tài chính vẫn còn rất sơ khai, từ hình thức đến nội dung, đến mức tôi thậm chí không biết rằng mình đang “lập mô hình tài chính”. Chỉ đơn giản là mày mò nhập liệu vào Excel và lập công thức tính, sao cho bảng cân đối kế toán cân và khớp với bảng ngân lưu là mừng lắm rồi. Dù bỡ ngỡ, tôi bắt đầu cảm nhận được sự hấp dẫn của việc có thể dự báo tương lai tài chính bằng bảng tính Excel.
Năm 1998-1999, khi gia nhập quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng đầu tiên của Việt Nam, tôi có cơ hội sử dụng mô hình tài chính để phân tích dự án. Lúc này, mô hình vẫn chỉ xoay quanh bảng dòng tiền dự án, bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh. Giai đoạn này tôi may mắn được tham gia lập phương án thu xếp vốn cho các dự án hạ tầng lớn, gồm cả các khoản vay hợp vốn (syndicate loan). Những kịch bản giải ngân vốn, trả nợ vay phức tạp khác nhau buộc tôi phải “vọc” Excel ngày đêm. Lúc đó, tôi chưa biết mình đang làm cái gọi là “cấu trúc thương vụ”, chỉ biết rằng công việc này vừa áp lực vừa cuốn hút lạ kỳ – một bước tiến mới trong tư duy tài chính của tôi.
Đêm trắng với sách Valuation và những lần “thử – sai”
Cũng trong giai đoạn này, tôi mượn đồng nghiệp được cuốn “Valuation – Measuring and Managing the Value of Companies” của McKinsey – một “bí kíp” về định giá doanh nghiệp. Cuốn sách mở ra cho tôi một thế giới mới về định giá doanh nghiệp. Tôi đã dành hàng đêm thức trắng, vừa đọc vừa làm Excel để dựng lại các mô hình trong sách. Không có ai hướng dẫn, tôi chỉ biết mày mò, lập công thức thử, sai thì sửa, sửa xong sai lại thử tiếp. Nhưng nhờ vậy, tôi tự hiểu được cách định giá doanh nghiệp, gồm cả ngân hàng.
Cột mốc đầu tiên đạt được là khi tôi cùng một đồng nghiệp (hiện là giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài) cùng làm định giá cho một công ty cổ phần hóa. Chúng tôi áp dụng bài bản từ phân tích dòng tiền chiết khấu đến chạy mô phỏng Monte Carlo bằng Crystal Ball để đánh giá rủi ro. Lần đầu tiên định giá cổ phần được làm “bài bản” như thế, và chúng tôi được đánh giá cao.
Du học và bước ngoặt với M&A
Năm 1999, khi du học MBA tại Anh với học bổng Chevening, tôi tiếp tục mài giũa kỹ năng mô hình tài chính trong các bài tập định giá trong môn M&A. Lúc này, tôi đã có thể lập mô hình ba báo cáo tài chính (3-statement model) hoàn chỉnh để định giá doanh nghiệp và ngân hàng. Những bài tập mô phỏng thương vụ M&A thực tế giúp tôi tự tin hơn, dù sau này nhìn lại, tôi biết mình vẫn còn cách yêu cầu thực tiễn một khoảng cách xa.
Từ lý thuyết đến thực chiến: Những bài học thất bại đầu tiên
Năm 2002, tôi đầu quân quỹ Private Equity (PE) nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Dù đã có kinh nghiệm, tôi vẫn mất nhiều thời gian để làm quen và nắm bắt mẫu mô hình chuẩn của quỹ. Không ai hướng dẫn, tôi lại tự mày mò mô hình, vừa làm vừa học. Đôi lúc mô hình tôi làm không cân, hoặc vướng vòng lặp (circular) khiến tôi xấu hổ với sếp và đối tác. Những lần thất bại ấy dạy tôi bài học xương máu về sự cẩn trọng và thấy rằng muốn làm chủ mô hình, phải hiểu nó từ gốc rễ.
Từ công ty gia đình đến quỹ quốc tế: Hành trình làm chủ mô hình
Rời quỹ PE đầu tiên, tôi quay về công ty gia đình, tái cấu trúc và giúp ba tôi bán công ty cho chủ mới để ba tôi nghỉ hưu. Đây là thương vụ M&A đầu tiên của tôi, một trải nghiệm quý giá khi tôi áp dụng kỹ năng lập mô hình làm kế hoạch kinh doanh, định giá, và cấu trúc thương vụ. Sau đó, tôi gia nhập một quỹ PE quốc tế chuyên đầu tư PE tại nước đang phát triển khắp thế giới. Tại đây, tôi được đào tạo bài bản về mô hình thương vụ PE và học hỏi đủ các mô hình do đồng nghiệp khắp thế giới xây dựng.
Từ PE đến tư vấn Investment Banking (IB): Hành trình “chinh chiến” thực tế
Từ 2012, tôi cùng đồng nghiệp lập công ty tư vấn IB. Trong hơn 12 năm, tôi dùng mô hình để định giá, thu xếp vốn cho rất nhiều dự án, thương vụ M&A giá trị từ vài triệu đến vài trăm triệu USD, đủ ngành nghề từ khách sạn, may mặc, năng lượng tái tạo, thép, đến chứng khoán, ngân hàng, bất động sản. Tôi đã có cơ hội làm việc với cả bên mua, bên bán và các quỹ quốc tế. Trải nghiệm quý giá giúp tôi nhận thấy mô hình không chỉ dùng để định giá và cấu trúc thương vụ, mà còn là phương tiện để giao tiếp với các nhà đầu tư, đối tác, và công cụ đàm phán.
Định hình phong cách: Từ “ngầu” đến hiệu quả
Trước khi làm cho quỹ đầu tư quốc tế, tôi thích làm mô hình thật phức tạp, tích hợp nhiều bước vào một công đoạn và lồng ghép đủ loại công thức và hàm để chứng tỏ “độ ngầu”. Hồi đó, tôi nghĩ như vậy là “cao siêu”, là “ngầu”, mà không biết rằng mô hình càng phức tạp thì càng khó kiểm soát.
Sau này làm thương vụ, tôi phát hiện yếu tố quan trọng nhất là mô hình phải đơn giản và dễ hiểu. Những mô hình “cao siêu” không chỉ gây khó khăn cho người đọc mà còn khiến chính tác giả bó tay khi nhìn lại sau một thời gian ngắn! Trong thương vụ, mô hình không chỉ là công cụ tính toán mà còn là phương tiện chuyển tải thông tin. Do vậy, một mô hình tốt không cần “ngầu” hay “cao siêu” mà phải vừa chi tiết vừa rõ ràng, dễ hiểu, đồng thời phải có tính linh hoạt, ứng dụng cao. Đó cũng là một trong những bí quyết mà tôi học được qua hơn 20 năm kinh nghiệm làm mô hình của mình.
Lời kết: Mô hình tài chính – Công cụ đắc lực cho người làm tài chính
Hơn 20 năm gắn bó với ngành tài chính, tôi nhận ra mô hình tài chính không chỉ là con số và bảng tính, mà là cách bạn kể câu chuyện tài chính của doanh nghiệp hay thương vụ. Mô hình giúp bạn dự báo tương lai, đánh giá rủi ro, đưa ra quyết định đúng đắn, và đồng thời là công cụ giao tiếp.
Nếu bạn đang muốn nâng cao khả năng phân tích tài chính, chuẩn bị cho công việc đầu tư, tư vấn, hay đơn giản là hiểu sâu hơn về tài chính doanh nghiệp, thì bạn không thể bỏ qua kỹ năng lập mô hình tài chính thực chiến này (*).
Cuối cùng, dù giờ đây tôi thường đảm nhận các vai trò chiến lược, tôi vẫn lập, kiểm tra và chỉnh sửa mô hình – một công việc tỉ mỉ nhưng giúp tôi giữ “phong độ” trong nghề. Việc nắm vững và làm chủ mô hình sẽ luôn hữu ích cho bất kỳ ai trong quá trình làm thương vụ.
(*) Vietnam Investment Nurturing Hub có khóa học “Lập mô hình tài chính cho Private Equity và Investment Banking” giúp học viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để xây dựng và sử dụng mô hình tài chính một cách hiệu quả trong ngành đầu tư.