06
Th11
Mới đây, private equity đã được đưa vào một trong ba lộ trình chuyên sâu ở cấp độ 3 của chương trình CFA. Vì sao công việc ngành private equity (PE, Đầu tư Cổ phần chưa đại chúng) lại được nhiều người trong ngành tài chính quan tâm đến vậy, không chỉ ở Việt Nam mà cả ớ các nước khác? Đó là vì công việc trong ngành này là sự pha trộn giữa thử thách với thu nhập tốt, cùng với cơ hội làm việc thú vị mà lại có ý nghĩa, giúp cho các công ty nhận đầu tư tăng trưởng và phát triển. Tuy vậy, để thành công trong ngành này đòi hỏi người làm nghề phải có tư duy phân tích, khả năng tạo dựng mạng lưới kết nối rộng khắp và hiểu biết sâu sắc về hoạt động đặc thù của ngành PE.
Vậy nghề Private Equity (PE, Đầu tư Cổ phần chưa đại chúng) là làm gì?
Ngành PE có môi trường làm việc năng động, cạnh tranh, với các chuyên gia thực chiến phân tích cơ hội đầu tư, giám sát quá trình chuyển đổi và giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động. Ban đầu, quỹ PE sử dụng nguồn vốn từ các nhà đầu tư để rót vào các công ty chưa đại chúng. Qua việc sở hữu một phần hoặc kiểm soát công ty, quỹ PE có thể tác động đến cơ chế quản lý, hoạt động kinh doanh và chiến lược của công ty, qua đó tăng thêm giá trị cho cổ đông. Công việc PE này đòi hỏi cao về nhiều kỹ năng và tính kiên định, nhưng cũng mang lại thu nhập đáng kể và phát triển sự nghiệp hứa hẹn.
Bản chất của quỹ Đầu tư Cổ phần chưa đại chúng
Các công ty quản lý quỹ đầu tư cổ phần chưa đại chúng thường có quy mô đa dạng, từ nhỏ gọn 5-10 người đến các tập đoàn toàn cầu. Dù ở quy mô nào, các công ty PE đều có mục tiêu và phương pháp đầu tư tương tự. Họ huy động vốn từ nhiều nguồn để mua cổ phần của các công ty. Các khoản đầu tư của quỹ trải rộng nhiều ngành và ở các giai đoạn phát triển kinh doanh khác nhau, đặc biệt quỹ PE thường nhắm đến các công ty gặp khó khăn hoặc bị định giá thấp nhưng có tiềm năng đáng kể. Quỹ PE thường đầu tư trong khoảng thời gian dài khoảng 5 năm, sau đó thoái vốn để thu lợi nhuận. Chiến lược đầu tư PE gồm đầu tư mạo hiểm (cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp), mua cổ phần tăng trưởng (của các công ty đã thành công nhưng cần vốn để mở rộng) và mua lại toàn bộ (nhắm đến các công ty gặp khó khăn, bị định giá thấp và thực hiện cải tổ để tăng giá trị).
Lộ trình thăng tiến ngành Đầu tư Cổ phần chưa đại chúng
Lộ trình nghề nghiệp trong công ty quản lý quỹ PE tính theo cấp bậc, với trách nhiệm riêng biệt ở từng cấp.
– Analyst (Chuyên viên phân tích): vị trí khởi đầu này đảm nhận việc trợ giúp, xử lý dữ liệu và phân tích sơ bộ. Kỹ năng chủ yếu là làm mô hình tài chính và phân tích công ty.
– Associate (Trưởng nhóm): có nhiều quyền tự chủ hơn trong các thương vụ và tham gia sâu vào quá trình đầu tư, như góp ý và phối hợp với các công ty nhận đầu tư, cần nhiều kỹ năng quản lý, tổ chức dự án.
– Vice President (Quản lý trung cấp): Tập trung vào quản lý quan hệ và giao tiếp, như tương tác với khách hàng, tạo dựng quan hệ, đàm phán cấp cao và đào tạo nhân viên. Vị trí này cần có kỹ năng đàm phán vì phải làm việc trực tiếp với khách hàng và nhà đầu tư trong quá trình ra quyết định
– Director (Giám đốc): Vị trí này là người ra quyết định chính, triển khai hoạt động huy động vốn cho quỹ và đàm phán cấp cao. Giám đốc ra quyết định về các thương vụ lớn cũng như các giao dịch thâu tóm hay thoái vốn.
– Partner (Đối tác hợp danh): Với chức vụ cao nhất, đối tác hợp danh sẽ đại diện công ty làm việc với khách hàng và nhà đầu tư, gọi vốn lập quỹ và định hướng chung cho công ty. Đối tác hợp danh cũng góp vốn vào công ty quản lý quỹ PE nhằm đảm bảo quyền lợi trùng khớp với nhà đầu tư của quỹ.
Liệu nghề đầu tư cổ phần chưa niêm yết có phù hợp?
Nghề PE yêu cầu nền tảng học vấn mạnh mẽ, kinh nghiệm phong phú và khả năng làm việc dưới áp lực. Người làm PE thường làm việc ngoài giờ, chịu áp lực từ nhiều phía, có đam mê mãnh liệt với ngành tài chính và với việc triển khai các thương vụ chiến lược.
Nền tảng học vấn và năng lực chuyên ngành
Người làm PE thường được yêu cầu có kết quả học tập nổi bật trong ngành tài chính, kế toán hoặc kinh tế. Kinh nghiệm làm việc trong mảng ngân hàng đầu tư hoặc các ngành tương tư sẽ là lợi thế đáng kể. Ngoài ra, kinh nghiệm thực tập hoặc kinh nghiệm làm việc phù hợp ở các ngành khác cũng giúp ứng viên hiểu rõ về công việc tại quỹ PE và tạo quan hệ nghề nghiệp.
Kỹ năng cốt lõi và năng lực
Muốn thành công trong ngành PE cần có sự kết hợp của kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp. Người làm PE phải có năng lực phân tích báo cáo tài chính, làm nghiên cứu thị trường, và lập mô hình tài chính định giá doanh nghiệp. Năng lực triển khai phân tích thương vụ mua lại, phân tích thị trường, và soạn thảo Bản Giới thiệu thông tin bảo mật (CIM) là cực kỳ quan trọng. Khả năng tạo kết nối cũng quan trọng không kém, vì quỹ PE dựa vào các mối quan hệ để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới và gây dựng uy tín với nhà đầu tư.
Kết luận
PE là công việc thu nhập tốt, nhưng yêu cầu cực cao, rất thích hợp với những ai giỏi chuyên môn tài chính và chiến lược kinh doanh, đồng thời phải có cả kỹ năng giải quyết vấn đề và năng lực thích ứng để làm việc đa nhiệm. Nghề PE, từ vị trí Analyst đến Associate và Partner, là cơ hội để người làm nghề đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn, đi kèm là thăng tiến nghề nghiệp và thu nhập đáng kể. Dù rất cạnh tranh, công việc PE vẫn trong tầm với của các bạn biết cách tiếp thu kiến thức về PE và những kỹ năng cần thiết cho nghề PE, cũng như biết cách xây dựng mạng lưới quan hệ nghề nghiệp riêng của mình.
Kỳ tới: Những ai đã thành công với nghề Private Equity và Investment Banking?