Từ vựng 12 – Cấu trúc thương vụ

Từ vựng 12 – Cấu trúc thương vụ

Trong lĩnh vực đầu tư cổ phần chưa đại chúng (PE) và ngân hàng đầu tư (IB), bên cạnh việc tạo lập thương vụ, tra soát toàn diện (due diligence) và đàm phán, còn có một công tác cực kỳ quan trọng khác: cấu trúc thưng vụ. Cấu trúc thương vụ là nghệ thuật thiết kế khung cấu trúc của giao dịch về mặt thương mại, pháp lý và tài chính. Khung này bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, chủ yếu gồm: giá cả (giá thị trường hợp lý của công ty mục tiêu); công cụ đầu tư (dùng vốn chủ sở hữu, nợ vay hoặc các công cụ lưỡng tính trong giao dịch); nguồn vốn (sử dụng nguồn tài chính nào để tài trợ cho giao dịch); địa điểm (giao dịch trong hay ngoài nước); chiến lược thoái vốn (ví dụ: IPO, bán cho công ty khác); quyền của nhà đầu tư, người mua và người bán; các cam kết và bảo đảm từ người bán về tài chính và hoạt động của công ty; các khế ước (các hạn chế liên quan đến hoạt động của công ty sau giao dịch), v.v.
Cấu trúc một thương vụ chính là sắp xếp tỉ mỉ các khía cạnh khác nhau này lại với nhau để đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi. Dealmaker, trước tiên phải hiểu mong muốn của quỹ đầu tư PE – luận điểm đầu tư, mức độ chấp nhật rủi ro và lợi nhuận mong muốn (ROI) của họ. Sau đó, dealmaker phân tích công ty mục tiêu – tình hình tài chính, vị thế thị trường và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Giống như kiến trúc sư khi thiết kế ngôi nhà vừa phải hợp nhu cầu khách hàng nhưng cũng phải thỏa mãn nhiều điều kiện hạn chế khác, dealmaker sẽ cấu trúc thương vụ để sao cho giao dịch diễn ra đạt các mục tiêu của quỹ PE, đồng thời cũng khớp với hoàn cảnh riêng của công ty. Dealmaker nhiều khi phải tìm cách thỏa mãn nhiều bên liên quan với các ưu tiên khác nhau. Ví dụ quỹ PE thì muốn đạt ROI cao, trong khi bên bán lại muốn bán giá càng cao càng tốt, còn ngân hàng cho vay thì lại muốn ưu tiên an toàn khoản vay của họ. Do vậy, cấu trúc giao dịch phải đề ra một giải pháp toàn diện có thể đáp ứng mục tiêu của từng bên.
Một thương vụ được cấu trúc tốt sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác thành công lâu dài giữa tất cả các bên. Khi quỹ PE đạt được lợi nhuận mong muốn, người bán nhận được mức giá hợp lý và người cho vay tin tưởng vào việc hoàn trả, thì mọi người đều được hưởng lợi. Điều này thúc đẩy lòng tin và tạo điều kiện cho sự hợp tác trong tương lai trong hệ sinh thái PE và IB.
Hình ảnh: Freepik

Chia sẻ bài viết


messenger-link
hotline
zalo-link