Lưu ý quan trọng khi phân tích vĩ mô và ngành (*)

Lưu ý quan trọng khi phân tích vĩ mô và ngành (*)

Một trong những công tác quan trọng của deal-maker là soạn báo cáo đầu tư, với phần quan trọng nhất là đề xuất đầu tư. Đề xuất này dựa trên cơ sở kết quả phân tích cơ hội, thường được thực hiện theo hướng từ trên xuống dưới (top-down) theo 3 cấp: Môi trường vĩ mô – Ngành – Công ty. Trước khi phân tích sâu công ty mục tiêu (sẽ đề cập ở bài khác), deal-maker Analyst phải tìm hiểu môi trường vĩ mô (Macro-Environment) và bối cảnh ngành (Industry) mà công ty đó hoạt động có tác động đến cơ hội đầu tư như thế nào. Trong bài này, chúng tôi chia sẻ những lưu ý quan trọng khi Analyst phân tích môi trường vĩ mô và phân tích ngành trong khuôn khổ một thương vụ Private Equity (PE) và Investment Banking (IB).
Phân tích môi trường vĩ mô để nhìn toàn cảnh
Trước khi tìm hiểu ngành, Analyst cần bắt đầu với môi trường vĩ mô nhằm có cái nhìn toàn cảnh. Áp dụng mô hình PESTEL, việc phân tích sẽ đi sâu xem xét liệu các yếu tố Chính trị (P) – Kinh tế (E) – Văn hóa xã hội (S) – Công nghệ (T) – Môi trường (E) – Pháp lý (L) có tác động thế nào đến ngành mình xem xét. Tuy vậy, Analyst chỉ lọc ra các yếu tố PESTEL quan trọng nhất và đi vào phân tích sâu hơn, tìm xem các yếu tố này sẽ tăng giảm nhu cầu và nguồn cung của ngành ra sao, bằng cách nào. Ví dụ, với ngành thép thì yếu tố địa chính trị, kinh tế vĩ mô và bảo vệ môi trường sẽ có vai trò rất lớn. Trong khi đó, ngành game sẽ bị chi phối bởi đặc thù văn hóa – xã hội, nhân khẩu học, công nghệ, sắp tới là chính sách thuế. Ngành năng lượng tái tạo vừa qua chịu tác động nhiều từ quy hoạch của chính phủ, chính sách môi trường, khung pháp lý và giá FIT mua bán điện. Xác định yếu tố vĩ mô nào có vai trò ảnh hưởng và cách thức các yếu tố này tác động đến ngành sẽ giúp Analyst xác định viễn cảnh và động lực dẫn dắt sự phát triển (hay suy giảm) của ngành mình quan tâm.
Phân tích ngành từ phạm vi rộng đến hẹp, cao đến thấp
Trước khi phân tích, Analyst phải biết phân định phạm vi ngành mình phân tích từ rộng đến hẹp dựa vào cấu trúc ngành và sản phẩm dịch vụ của công ty mục tiêu. Ví dụ nếu quan tâm xe điện EV, thì Analyst phải bắt đầu phân tích từ ngành phương tiện vận chuyển, tiếp đến là mảng xe hơi cá nhân, và sau cùng đi sâu vào phân khúc xe điện. Với cách thức này, Analyst sẽ hiểu thấu đáo ngành hơn từ ngoài vào trong, nhờ vậy kết quả phân tích (insights) sẽ khớp vào phân khúc của công ty mục tiêu. Nếu chỉ phân tích ngành chung chung thì kết quả phân tích ít có giá trị cho đề xuất đầu tư trong các thương vụ PE và IB.
Không chỉ tìm hiểu từ ngoài vào trong, việc phân tích ngành cũng triển phải triển khai từ cao xuống thấp: từ cấp vĩ mô xuống cấp vi mô.
Phân tích góc nhìn vĩ mô của ngành: Phân tích ngành ở cấp độ vĩ mô sẽ giúp Analyst phác thảo bức tranh động lực (dynamics), đặc tính cũng như tiềm năng của ngành. Công cụ dùng cho cấp vĩ mô ngành phổ biến nhất là mô hình 5 Thế lực cạnh tranh của Michael Porter, chuỗi giá trị, chu kỳ ngành. Analyst chủ yếu đánh giá theo 4 góc nhìn SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức). Các công cụ này giúp Analyst đánh giá tương tác giữa các thế lực đối nghịch và đối tác: đối thủ cạnh tranh hiện tại, các đối thủ tiềm năng, sản phẩm thay thế, khách hàng và nhà cung ứng, nhất là vai trò và vị thế của các thế lực này trong chuỗi giá trị. Điểm lưu ý là người Analyst không nhất thiết phải đi vào xem xét tất cả các thế lực kể trên mà chỉ nên đề cập các yếu tố chính, có vai trò định hình bức tranh động lực của ngành (tức các yếu tố dẫn động – drivers), làm cơ sở cho các chiến lược cạnh tranh khác nhau.
Phân tích theo góc nhìn vi mô của ngành đi sâu vào việc tìm hiểu chiến lược cạnh tranh dùng trong các phân khúc khác nhau của ngành, cũng như các phương cách (stategic dimension) nào được áp dụng để thực hiện chiến lược này. Ví dụ, một công ty trong phân khúc xe tải chắc chắn có chiến lược cạnh tranh khác với một công ty làm xe điện. và ngay cả giữa các công ty xe điện cùng theo chiến lược cạnh tranh về giá, việc đạt được giá bán thấp cũng khác nhau do lợi thế cạnh tranh mỗi công ty khác nhau, dẫn đến phương cách khác nhau (ví dụ nhờ quy mô hay nhờ chi phí đầu vào rẻ). Góc nhìn vi mô giúp Analyst hiểu được yếu tố nào mang lại lợi thế cạnh tranh cho các công ty trong một phân khúc cụ thể, từ đó lọc được nhóm công ty đồng hạng (peer group) đúng nhất cho công ty mình đang nhắm đến (dựa trên phương cách cạnh tranh giống nhau).
Phân tích theo góc nhìn vi mô là một bước đi sâu hơn sau khi phân tích ngành theo góc nhìn vĩ mô, vì vậy cần nhiều thời gian, công sức hơn. Tuy nhiên, phân tích ngành theo góc nhìn vi mô rất có giá trị cho thương vụ đầu tư PE hay IB, vì nó cung cấp mức độ hiểu biết chuyên sâu hơn về ngành nghề và nhất là chỉ ra được yếu tố dẫn động (drivers) nào tạo ra giá trị cho một phân khúc. Analyst sẽ nắm được drivers để tập trung hơn khi vào phân tích công ty, và nhất là đưa drivers này vào mô hình định giá (sẽ đề cập ở bài khác).
(*) Nội dung trích trong section Analysis của Khóa Nghiệp vụ Private Equity (PE) và Investment Banking (IB) cho Deal-makers (cấp Analyst)

Chia sẻ bài viết


messenger-link
hotline
zalo-link